Đối nội Kim Thái Tổ

Sau khi xưng đế, Hoàn Nhan A Cốt Đả bắt đầu xây dựng chính quyền quý tộc chủ nô triều Kim. Ông tích cực cải cách tệ nạn xấu trong xã hội, đồng thời phát triển kinh tế dựa trên nền tảng "nông nghiệp là gốc", khiến quyền lực ngày một củng cố. Để thiết lập quan hệ chiếm hữu nô lệ mới, trước tiên A Cốt Đả đã xác lập hoàng quyền, xây dựng nên cơ cấu quyền lực tối cao trong giai cấp thống trị trung ương, gọi là chế độ Bột cực liệt; thay đổi quân sự từ thời kỳ thị tộc nguyên thủy thành tổ chức hành chính địa phương, tăng cường mạnh mẽ tính năng động và tổ chức kỷ luật trong quân đội. Kế đến A Cốt Đả chú trọng tới luật pháp, ban hành pháp chế mới, quy định kẻ phạm tội không phân biệt sang hèn đều sẽ bị xử phạt như nhau; thực thi phạt tội và chuộc tội song song; từ bỏ tập tục nguyên thủy, nghiêm cấm kết hôn cùng họ.[18]

Cuối cùng là phát triển sự nghiệp văn hóa. A Cốt Đả ra chiếu lệnh sáng tạo chữ viết của người Nữ Chân và ban hành toàn quốc, lịch sử gọi là "Nữ Chân đại tự"; học văn hóa tiên tiến của dân tộc Hán, coi trọng phần tử tri thức; chú trọng sưu tập các loại sách vở. Là lãnh đạo của một dân tộc du mục, liên tục bận rộn chinh chiến, song ông không hề lơ là việc phát triển kinh tế, đóng góp rất nhiều công sức cho công cuộc phát triển khu vực đông bắc và sự tiến bộ xã hội của dân tộc Nữ Chân.[18]

Trong chiến tranh chống Liêu, A Cốt Đả cấm binh sĩ cướp bóc của dân chúng, giảm bớt thuế cho họ, từ đó được dân chúng yêu mến. Vào lúc này, A Cốt Đả một mặt thực thi chính sách "di dân thực nội", tức là đưa một bộ phận người Hán, người Khiết Đan vào đất nước mình để làm dồi dào lực lượng, lấy đó phát triển nông nghiệp; mặt khác chuyển một bộ phận người Nữ Chân trong nước ra phía ngoài nhằm mở rộng diện tích đất canh tác. Để bảo đảm thu thuế đầy đủ và binh lực dồi dào, A Cốt Đả đã thực thi rất nhiều biện pháp, hạn chế phát triển chế độ nô lệ, nghiêm cấm biến dân thường thành nô lệ.[18]